Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017-2022, một trong các nhiệm vụ, giải pháp trọng tậm trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi giai đoạn 2017 – 2022 là công tác giáo dục; trong đó có giải pháp đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội (MXH).
Hiện nay, với xu hướng hội nhập quốc tế, thế giới phẳng, mạng xã hội đang làm thay đổi nhiều lĩnh vực, hoạt động sống của đoàn viên thanh niên, trong đó, có sự thay đổi đáng kể trong giao tiếp, thu nhận, xử lý thông tin. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, tập hợp, kết nối, giáo dục và định hướng thanh niên qua các phương tiện truyền thông hiện đại, mạng xã hội được xác định là giải pháp quan trọng trong đổi mới phương thức giáo dục của tổ chức Đoàn, trong đó chú trọng tuyên truyền yếu tố tích cực, người tốt, việc tốt, hành động đẹp trên mạng xã hội, góp phần định hướng, giáo dục đoàn viên thanh niên đến với những giá trị cao đẹp; Đồng thời thông qua mạng xã hội để đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ, chống phá của các thế lực thù địch.
Không thể phủ nhận những tiện ích mà mạng xã hội đem lại trong đời sống hôm nay. Tuy nhiên, trong thế giới ảo đó thật giả lẫn lộn. Qua mạng xã hội, cùng một vấn đề, một sự kiện nhưng chúng ta có thể tiếp cận được rất nhiều nguồn thông tin trái chiều. Và trong ma trận thông tin đó chứa đựng cả những thông tin độc hại, là thuốc độc đối với những ai chưa được trang bị đầy đủ kiến thức cũng như bản lĩnh chính trị để có thể tự mình phân biệt đúng – sai. Chính vì thế, các thế lực thù địch luôn triệt để lợi dụng mạng xã hội để tăng tính cập nhật, mở rộng diện phủ sóng các thông tin chống phá của chúng.
Thực tế, trong thời gian qua, các thế lực phản động cùng những phần tử cơ hội, thoái hóa biến chất trong nước đã sử dụng mạng xã hội đăng tải không ít thông tin vu khống, bịa đặt, xuyên tạc… Từ đó gây hoài nghi, hoang mang trong dư luận, nhất là đối với một bộ phận trí thức và đoàn viên thanh niên, sinh viên – những người thường xuyên tiếp cận phương tiện này. Mục đích cuối cùng là làm cho cán bộ, đảng viên và người dân mơ hồ, dao động; từng bước tác động làm phai nhạt mục tiêu, lý tưởng, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ để đi đến chuyển hóa Đảng, chuyển hóa chế độ. Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song công tác đấu tranh phản bác những thông tin, quan điểm sai trái trên không gian mạng cũng còn những hạn chế; đặc biệt là chưa huy động cao nhất sức mạnh của các lực lượng tham gia vào cuộc đấu tranh này một cách mạnh mẽ, hiệu quả.
Nhận thức rõ nhiệm vụ chính trị, trong những qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chủ động tuyên truyền, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phản động, xuyên tạc trên mạng xã hội và bước đầu phát huy hiệu quả. Nhằm đa dạng hóa công tác tuyên truyền, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã thành lập trang Fanpage của Tỉnh Đoàn, đồng thời chỉ đạo các huyện, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc và toàn bộ các chi đoàn cơ sở trong toàn tỉnh thành lập và ban hành quy chế hoạt động của các trang Fanpage do tổ chức Đoàn thành lập. Các trạng Fanpape của Đoàn từ Tỉnh đến cơ sở được kết nối, tương tác thường xuyên với nhau; hàng tháng Ban Thường vụ Tỉnh đoàn cung cấp thông tin tình hình và định hướng hướng dư luận tới các trang Fanpage của Đoàn để đăng tải và chia sẻ, tạo hiệu ứng lan tỏa trong thanh niên.
Trên các trang Fanpage do Đoàn quản lý thường xuyên đăng tải, chia sẻ bài viết tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thông tin từ các trang thông tin điện tử, các báo chính thống về quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các bài viết, bài nói của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về tình hình kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh; bài viết về truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, gương sáng, người tốt việc tốt…, nhằm tạo sự đồng thuận hưởng ứng của cộng đồng với mục tiêu xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Những bài viết được đăng tải đã góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tăng “sức đề kháng” để cư dân mạng chống lại tác động từ thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc trên mạng xã hội.
Bên cạnh tuyên truyền quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những thành quả phát triển của đất nước trên nhiều lĩnh vực, thì hình thức đấu tranh trực diện với những quan điểm sai trái trên mạng xã hội cũng được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc thực hiện đa dạng, phong phú. Việc đấu tranh phản bác tiến hành theo phương châm “lấy xây để chống”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”; vừa tập trung chia sẻ những thông tin có lợi cho Đảng, cho Nhà nước, vừa phân tích, tìm ra điểm sai trái, phi lô gích, lập lờ của các bài viết, thông tin xuyên tạc.
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã thành lập Câu lạc bộ “Người giữ lửa”, khi có các thông tin cần đấu tranh trên mạng xã hội, các thành viên câu lạc bộ sẽ trực tiếp đăng bài, chia sẻ, tham gia bình luận phản bác vào các trang Facebook, Zalo… có nội dung xuyên tạc, bôi nhọ. Những bài viết sử dụng cho việc đấu tranh đều ngắn gọn, xúc tích, có sức ảnh hưởng lớn, dẫn dắt vấn đề, phù hợp với từng trình độ cần phản bác, dẫn chứng một cách khoa học và chân thật, ngôn từ có văn hóa, lý luận sắc bén đánh đúng điểm yếu của những luận điệu vu khống, bịa đặt.
Trong thời gian tới, cùng với các phương tiện truyền thông khác, mạng xã hội sẽ là một trong những công cụ đắc lực được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ, với mong muốn tuyên truyền nâng cao chất lượng và hoạt động của tổ chức Đoàn; Đồng thời, qua đó tác động mạnh mẽ và góp phần cổ vũ, nâng cao ý thức cho mỗi thanh niên về vai trò, trách nhiệm của mình trong đấu tranh chống lại sự xuyên tạc của các thế lực thù địch, trong học tập, lao động, đổi mới và xây dựng quê hương, đất nước./.
Nguồn: vinhphuc.gov.vn